Vai trò của Kiều bào trong kết nối, quảng bá, tiêu thụ hàng hóa

Ngày 6/7, Ủy ban về Người Việt Nam ở nước ngoài TP.HCM tổ chức chương trình hoạt động đầu tiên của “Không gian văn hóa Hồ Chí Minh – Điểm hẹn Kiều bào” với chủ đề “Vai trò cộng đồng doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài trong hỗ trợ xúc tiến thương mại, kết nối tiêu thụ, giới thiệu, quảng bá sản phẩm, hàng hóa trên địa bàn TP.HCM.

Bà Vũ Thị Huỳnh Mai, Chủ nhiệm Ủy ban về Người Việt Nam ở nước ngoài Thành phố.

Chương trình được diễn ra với sự góp mặt của đại diện các Sở Khoa học và Công nghệ; Sở Công Thương; Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư Thành phố và các doanh nhân, doanh nghiệp Thành phố có nhu cầu xúc tiến thương mại và quảng bá sản phẩm ra thị trường quốc tế, cộng đồng doanh nhân người Việt Nam ở nước ngoài cùng các tổ chức, hiệp hội doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Với chủ đề “Vai trò cộng đồng doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài trong hỗ trợ xúc tiến thương mại, kết nối tiêu thụ, giới thiệu, quảng bá sản phẩm, hàng hóa trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh tham gia thực hiện truy xuất nguồn gốc theo Quyết định số 1039/QĐ-UBND.”

Ông Danny Võ Thành Đăng, người Việt Nam ở Singapore, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài điều phối phiên thảo luận.

Tại chương trình, các doanh nghiệp kiều bào đã chia sẻ kinh nghiệm cụ thể về những khó khăn, vướng mắc của những doanh nghiệp đã đăng ký truy xuất hàng hóa khi tham gia thị trường quốc tế.

Phát biểu tại chương trình bà Vũ Thị Huỳnh Mai, Chủ nhiệm Ủy ban về Người Việt Nam ở nước ngoài Thành phố cho biết, đây là hoạt động đầu tiên sau 1 tháng ra đời của “Không gian văn hóa Hồ Chí Minh – Điểm hẹn Kiều bào” của Ủy ban về Người Việt Nam ở nước ngoài TP.HCM.

Khai mạc chương trình, Phó Chủ nhiệm Trần Đức Hiển cho biết: “Với vai trò cơ quan quản lý nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài trên địa bàn Thành phố và nhiệm vụ vận động nguồn lực người Việt Nam ở nước ngoài tham gia giới thiệu, tiêu thụ sản phẩm và phát triển các kênh phân phối hàng hóa trên địa bàn Thành phố và đặc biệt chú trọng các sản phẩm đã thực hiện truy xuất nguồn gốc hàng hóa theo hướng dẫn của các cơ quan chức năng trên địa bàn Thành phố. Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài Thành phố chủ động phối hợp triển khai thực hiện và thông tin, phổ biến về kế hoạch triển khai quản lý truy xuất nguồn gốc sản phẩm hàng hóa trên địa bàn Thành phố gắn với hoạt động tại “Không gian văn hóa Hồ Chí Minh – Điểm hẹn kiều bào”.

Ông Nguyễn Ngọc Luận, kiều bào Australia, người sáng lập thương hiệu cà Meet More Coffee.

Về phía đại diện Sở Khoa học và Công nghệ Thành phố, bà Võ Đình Liên Ngọc – Phó Chi cục Trưởng Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng đã thông tin đến các đại biểu về một số kết quả của Kế hoạch triển khai áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2021-2030 (theo Quyết định 1039/QĐ-UBND ngày 08 tháng 4 năm 2024 của Ủy ban nhân dân Thành phố).

Theo bà Võ Đình Liên Ngọc, Thành phố Hồ Chí Minh đã triển khai áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc đối với 5/7 nhóm sản phẩm, hàng hóa thuộc Danh mục sản phẩm, hàng hóa ưu tiên triển khai truy xuất nguồn gốc trên địa bàn Thành phố.

Trong số đó có 47 cơ sở thuộc chuỗi cung ứng thịt heo, thịt gia cầm, trứng gia cầm trên địa bàn Thành phố tham gia Đề án quản lý, nhận diện và truy xuất nguồn gốc thịt heo, thịt gia cầm và trứng gia cầm và 14 cơ sở thuộc chuỗi sản phẩm rau quả tươi, thủy sản có tham gia có sử dụng mã số, mã vạch tại Việt Nam áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc theo các tiêu chuẩn Việt Nam về truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa.

Đoàn đại biểu chụp hình lưu niệm cuối giờ.

Chia sẻ những khó khăn, giải pháp triển khai áp dụng, quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc hàng hóa trong thời gian tới, bà Võ Đình Liên Ngọc bày tỏ mong muốn các doanh nghiệp kiều bào chia sẻ thông tin, kinh nghiệm để Sở tham mưu Ủy ban Nhân dân Thành phố ban hành chính sách và triển khai thực hiện cho phù hợp với thực tế; đề nghị Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài giới thiệu, kết nối các doanh nghiệp kiều bào có nhu cầu tham gia áp dụng, quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc hàng hóa trên địa bàn Thành phố.

Phát biểu kết luận, Chủ nhiệm Vũ Thị Huỳnh Mai nhận định, việc truy xuất nguồn gốc mang đến lợi ích cho cả ba bên là cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp và người tiêu dùng trong điều kiện xu hướng mua sắm trực tuyến ngày càng phát triển một cách mạnh mẽ.

Ngoài ra, bà Vũ Thị Huỳnh Mai mong muốn các Sở, ban ngành, cơ quan chuyên môn theo chức năng, nhiệm vụ được lãnh đạo Thành phố phân công tiếp tục quan tâm, phối hợp và hỗ trợ Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài Thành phố cung cấp những thông tin về danh mục truy xuất nguồn gốc để tiếp tục tuyên truyền nhằm phát huy vai trò của cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp người Việt Nam ở nước ngoài trong việc đưa hàng hóa, sản phẩm của doanh nghiệp trên địa bàn Thành phố đã thực hiện truy xuất nguồn gốc tham gia thị trường quốc tế.

Thực hiện: Thanh Phong