Đồng Nai: Tổ chức Hội nghị Tổng kết công tác quản lý chất lượng an toàn thực phẩm

Chiều 9/5, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Đồng Nai, tổ chức Hội nghị Tổng kết công tác quản lý chất lượng an toàn thực phẩm (ATTP), chế biến và phát triển thị trường nông – lâm – thủy sản năm 2023 và triển khai nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2024. 

Trong những năm qua, công tác đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm, gia tăng chế biến, phát triển thị trường nông, lâm, thủy sản luôn nhận được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Đảng, Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và PTNT và UBND tỉnh Đồng Nai. Qua đó, đã góp phần tích cực giúp ngành Nông nghiệp phát triển nhanh, bền vững. Năm 2023 tuy phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức (hậu dịch Covid-19, xung đột địa chính trị, giá vật tư nguyên liệu đầu vào phục vụ sản xuất vẫn ở mức cao, dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi tiềm ẩn nguy cơ bùng phát, thời tiết diễn biến bất thường…) nhưng toàn Ngành nông nghiệp và PTNT đã tập trung lực lượng, triển khai chặt chẽ, hiệu quả công tác quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm, chế biến và phát triển thị trường nông lâm thủy sản và đã đạt được những kết quả khả quan.

Công tác giám sát, kiểm tra, thanh tra chất lượng, ATTP

Công tác giám sát chất lượng, ATTP sản phẩm nông, lâm, thủy sản được thực hiện định kỳ hàng năm theo kế hoạch lấy mẫu giám sát, trong các đợt thanh, kiểm tra hoặc khi có sự cố mất an toàn thực phẩm.

Kết quả thực hiện năm 2023: tổng số mẫu đã giám sát 962 mẫu, trong đó có 651 mẫu sản phẩm có nguồn gốc thực vật, 288 mẫu sản phẩm có nguồn gốc động vật và 23 mẫu nguồn gốc thủy sản. Kết quả kiểm nghiệm phát hiện 9/651 (chiếm 1,38%) mẫu sản phẩm thực vật vượt giới hạn cho phép về thuốc bảo vệ thực vật, còn các mẫu sản phẩm động vật và thủy sản đều không phát hiện chỉ tiêu phân tích.

Quang cảnh tại buổi hội nghị.

Đối với các mẫu không đạt, các đơn vị giám sát đã có văn bản thông báo về thông báo kết quả lấy mẫu và yêu cầu cơ sở được giám sát truy xuất mẫu không đảm bảo an toàn.

Trong năm, toàn tỉnh đã cấp 775 giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm. Toàn tỉnh có hơn 24,6 ngàn cơ sở sản xuất, kinh doanh nông – lâm – thủy sản ký cam kết đảm bảo an toàn thực phẩm, 25.082 cơ sở được kiểm tra sau ký cam kết…. Kết quả giám sát, kiểm tra, thanh tra cho thấy hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, ý thức của người dân, doanh nghiệp về ATTP được nâng cao.

Về nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao

Trong năm 2023, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Đồng Nai, đã thẩm định và xác nhận sản phẩm đối với 02 chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn (động vật). Lũy kế đến nay thực hiện được 50 chuỗi kiểm soát sản phẩm an toàn với 331 điểm bày bán sản phẩm an toàn giới thiệu đến người tiêu dùng các loại sản phẩm chủ lực của tỉnh như thịt heo, thịt gà, thịt ngan, trứng, sản phẩm chế biến từ thịt, rau quả, nấm và các sản phẩm chế biến từ sữa.

Chứng nhận sản phẩm nông nghiệp hữu cơ, lũy kế đến nay toàn tỉnh có 27,2 ha của 07 hợp tác xã, tổ hợp tác, doanh nghiệp và nông dân được chứng nhận sản xuất hữu cơ.

Sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn, hướng tới phát triển theo tiêu chuẩn hữu cơ. Trên địa bàn tỉnh có 2.785,29 ha cây trồng đạt chứng nhận VietGap; Về chăn nuôi có 126 trang trại chăn nuôi được chứng nhận VietGAP (71 trang trại nuôi heo; 54 trang trại nuôi gà và 01 trang trại nuôi vịt) với sản lượng được chứng nhận VietGAP lần lượt là 91.740 tấn thịt heo và 32.248 tấn thịt gà, 283.165.728 quả trứng; Nuôi trồng thủy sản có 14 vùng nuôi thủy sản theo quy trình VietGAP, với quy mô 410,75 ha, tổng sản lượng 15.282 tấn cá, tôm/năm.

Công tác thông tin, giáo dục, truyền thông, phát triển thị trường

Nhiều doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thực phẩm tham dự hội nghị.

Qua công tác thông tin, truyền thông, thông qua tổ chức các hội nghị, hội thảo, đăng tải trên website của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã phối hợp với Báo, Đài…, để nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm các hộ, doanh nghiệp trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản trong việc đảm bảo an toàn thực phẩm trong sản xuất ban đầu. Các hộ, doanh nghiệp thu gom, sơ chế, chế biến đã từng bước nâng cấp điều kiện cơ sở vật chất, thay đổi cách thức quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm trong sơ chế, chế biến thực phẩm để nâng cáo giá trị sản phẩm và phù hợp với yêu cầu ngày càng khắt khe hơn, từng bước đưa sản phẩm xuất khẩu sang các thị trường khó tính.

Tại hội nghị, các ý kiến tập trung vào phản ánh khó khăn trong quản lý, xử lý mất an toàn vệ sinh thực phẩm, nhất là hoạt động kinh doanh thực phẩm tự phát vẫn bỏ ngỏ, chế tài xử lý vi phạm giết mổ lậu, vận chuyển, kinh doanh thực phẩm không nguồn gốc chưa đủ tính răn đe…

Triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm 2024

Nhiệm vụ trọng tâm năm 2024, ngành nông nghiệp tiếp tục tăng cường các chương trình giám sát an toàn thực phẩm giúp kịp thời phát hiện, cảnh báo, áp dụng các biện pháp khắc phục và xử lý nghiêm túc các vi phạm. Phổ biến chính sách pháp luật, thông tin, truyền thông về chất lượng, an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản, gia tăng chế biến và phát triển thị trường. kịp thời rào cản kỹ thuật an toàn thực phẩm của các thị trường xuất khẩu. Gia tăng số lượng, quy mô sản xuất an toàn, bền vững, nhất là nhân rộng các chuỗi giá trị cung ứng thực phẩm an toàn cho tiêu thụ trong nước và xuất khẩu ra thế giới.

 

Chí Cường – Thanh Phong