Quản lý, sử dụng thuốc tại TP.HCM còn nhiều bất cập

Số lượng người bệnh liên tục tăng cao, việc cần cung ứng đủ thuốc cùng với đó số lượng nhà thuốc tư nhân phát triển quá nhanh, là những vấn đề thách thức trong công tác quản lý, sử dụng thuốc ở TP.HCM.

Quang cảnh Phiên giải trình ngày 14/6.

Ngày 14/6, Thường trực HĐND TPHCM tổ chức phiên giải trình “Công tác quản lý và sử dụng thuốc tại các cơ sở khám chữa bệnh, cơ sở kinh doanh dược trên địa bàn TPHCM”. Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP.HCM Nguyễn Thị Lệ chủ trì phiên giải trình.

Phát biểu khai mạc tại phiên giải trình, Chủ tịch Nguyễn Thị Lệ cho biết, việc sử dụng thuốc trong phòng, chữa bệnh và tăng cường sức khoẻ đã trở thành một nhu cầu tất yếu quan trọng đối với đời sống con người.

Theo sự phát triển của ngành dược, nhiều loại thuốc mới đã được tìm ra và nhiều loại dịch bệnh, bệnh hiểm nghèo đã được khắc phục. Bên cạnh đó, việc nghiên cứu, sử dụng thuốc có hiệu quả và sản xuất các loại thuốc mới đã và đang trở thành một lĩnh vực quan trọng của đời sống xã hội.

“Trải qua giai đoạn dịch Covid-19, chúng ta càng thấy được sự quan trọng của thuốc trong cuộc sống hiện nay, không chỉ để bảo vệ sức khỏe, chống lại bệnh tật mà còn giúp con người kéo dài tuổi thọ. Do đó, vai trò của thuốc trong chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ nhân dân luôn được Đảng, chính quyền các cấp quan tâm”: bà Lệ nhấn mạnh.

Mặc dù cơ bản cung ứng thuốc đầy đủ, đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe của người dân, song công tác quản lý, sử dụng thuốc tại các cơ sở khám, chữa bệnh, kinh doanh thuốc vẫn tồn tại nhiều bất cập.

Nổi cộm là việc số lượng nhà thuốc tư nhân phát triển quá nhanh, các hoạt động kinh doanh thuốc trên nền tảng mạng xã hội vẫn chưa thể kiểm soát, quản lý.

Tại phiên giải trình, ông Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM, cho biết thành phố hiện có 10 bệnh viện đa khoa; 22 bệnh viện chuyên khoa; 12 bệnh viện bộ/ngành; 19 bệnh viện quận huyện, thành phố Thủ Đức; 67 bệnh viện tư nhân; 310 trạm y tế, 8.044 phòng khám tư nhân và 39 trạm cấp cứu vệ tinh…

Chủ tịch HĐND TP.HCM, bà Nguyễn Thị Lệ phát biểu khai mạc tại phiên giải trình.

Về hệ thống sản xuất, phân phối thuốc, có 43 nhà máy sản xuất thuốc; 1.512 doanh nghiệp, cơ sở bán buôn, nguyên liệu thuốc; 16 cơ sở dược liệu, thuốc đông y, thuốc từ dược liệu; 8.387 nhà thuốc; 357 cơ sở bán lẻ thuốc đông y, thuốc từ dược liệu… bao phủ rộng khắp các địa bàn của thành phố.

Việc tiếp cận thuốc của người dân được đảm bảo trong những năm qua. Vì sản lượng thuốc tiêu thụ tại thành phố lớn, chiếm từ 25%-30% của cả nước nên công tác cung ứng nhằm bảo đảm nhu cầu thuốc cho điều trị là một thách thức, đòi hỏi sự nỗ lực rất lớn của ngành dược thành phố.

Mặc dù đối mặt nguy cơ thiếu hụt thuốc do gián đoạn nguồn cung ứng thuốc thành phẩm và nguyên liệu sản xuất thuốc, song TP.HCM cơ bản đáp ứng đầy đủ nhu cầu sử dụng thuốc của người dân với chất lượng và giá cả phù hợp.

Giám đốc Sở Y Tế TP.HCM tại phiên giải trình.

Hiện, tỷ lệ thuốc sản xuất trong nước trong các cơ sở khám, chữa bệnh của thành phố đạt trên 50%. Công tác ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động dược lâm sàng ngày càng được chú trọng, nhằm đảm bảo việc sử dụng thuốc tại các cơ sở khám, chữa bệnh ngày càng hiệu quả; hệ thống phân phối thuốc ngày càng đa dạng và rộng khắp.

Tại phiên giải trình, các đại biểu chất vấn về công tác quản lý nhà thuốc tư nhân. Qua thực tế giám sát, các đại biểu nhận thấy việc các nhà thuốc tư nhân phát triển quá nhanh gây ra những lo ngại trong công tác quản lý.

Cụ thể như việc bán thuốc không có đơn chỉ định của bác sỹ, bán thuốc và thực phẩm chức năng không có hóa đơn, chứng minh nguồn gốc xuất xứ, không có tem nhãn phụ bằng tiếng Việt; tình trạng dược sỹ phụ trách chuyên môn không có mặt ở nhà thuốc.

Bên cạnh đó, công tác quản lý dược liệu và thuốc đông y, quản lý hoạt động tại chợ thuốc Quận 10, phố đông y, việc quy hoạch khu công nghiệp y-dược của thành phố… cũng được các đại biểu bàn luận.

Bà Nguyễn Thị Lệ, cũng nhìn nhận công tác quản lý và sử dụng thuốc tại các cơ sở khám, chữa bệnh, kinh doanh dược trên địa bàn thời gian qua vẫn còn nhiều bất cập, hạn chế.

Với số lượng người bệnh liên tục tăng cao, việc cung ứng đủ thuốc cho nhu cầu điều trị trở thành thách thức rất lớn cho ngành dược.

Bà Nguyễn Thị Lệ đề nghị các đại biểu tập trung thảo luận, phân tích đánh giá thực trạng công tác quản lý và sử dụng thuốc tại các cơ sở khám chữa bệnh, cơ sở kinh doanh dược trên địa bàn thành phố nhất là giai đoạn sau dịch Covid-19, từ năm 2022 đến nay, cụ thể trên các lĩnh vực: Công tác triển khai, chỉ đạo: ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, các văn bản hướng dẫn thực hiện có liên quan; Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật; Công tác quản lý nhà nước, bao gồm: Công tác quản lý các cơ sở sản xuất, bán buôn thuốc, nguyên liệu làm thuốc; Công tác quản lý các cơ sở bán lẻ thuốc: nhà thuốc, quầy thuốc, tủ thuốc trạm y tế xã, cơ sở chuyên bán lẻ dược liệu, thuốc dược liệu, thuốc cổ truyền; Công tác mua sắm, quản lý và sử dụng thuốc trong cơ sở khám bệnh chữa bệnh; Công tác quản lý giá thuốc; công tác quản lý quảng cáo thuốc và quảng cáo thực phẩm chức năng; công tác quản lý thực phẩm chức năng; Công tác quản lý hàng gian, hàng giả, hàng kém chất lượng đối với thuốc và thực phẩm chức năng tại thành phố; Công tác thanh tra, kiểm tra, xử phạt các hành vi vi phạm liên quan; Công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực liên quan.

Bên cạnh đó, đồng chí Nguyễn Thị Lệ cũng đề nghị các đại biểu cũng tập trung đặt vấn đề và thảo luận về công tác phối hợp giữa UBND quận, huyện, TP.Thủ Đức với các sở, ngành, cơ quan liên quan trong việc quản lý và sử dụng thuốc tại các cơ sở khám chữa bệnh, cơ sở kinh doanh dược trên địa bàn.

Đại diện Cục quản lý thị trường trả lời chấp vấn.

Đồng thời, đánh giá những thuận lợi, khó khăn, hạn chế và đề xuất giải pháp, kế hoạch triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để thực hiện hiệu quả công tác quản lý và sử dụng thuốc tại các cơ sở khám chữa bệnh, cơ sở kinh doanh dược trên địa bàn thành phố.

Đối với UBND thành phố, các sở, ngành, quận, huyện, TP.Thủ Đức và các cơ quan đơn vị liên quan, bà Nguyễn Thị Lệ đề nghị các đại biểu tập trung trao đổi, giải trình đầy đủ những nội dung mà các đại biểu sẽ đặt ra trong phiên giải trình; những vấn đề của cử tri thành phố; xác định rõ trách nhiệm của từng cơ quan, đơn vị, của tập thể, cá nhân và đề giải pháp, lộ trình khắc phục của thành phố.

 

PV: Thanh Phong