Thẩm tra chính thức dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ

Chiều ngày 3/5/2024, tại Hà Nội, Uỷ ban Quốc phòng và An ninh (UBQPAN) tiếp tục Phiên họp toàn thể lần thứ 10, thẩm tra chính thức dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ.

Phát biểu mở đầu phiên họp, Trung tướng Lê Tấn Tới, Uỷ viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm UBQPAN cho biết, tại Kỳ họp thứ 5 (tháng 5/2023), Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 89 về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, trong đó, dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ sẽ được Quốc hội cho ý kiến và xem xét thông qua tại Kỳ họp thứ 7 theo quy trình một kỳ họp.

Trung tướng Lê Tấn Tới, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Quốc hội phát biểu. Ảnh: Báo CAND.

Thực hiện Nghị quyết số 89 của Quốc hội, ngày 16/2, Chính phủ đã có Tờ trình số 56 và hồ sơ dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ gửi Uỷ ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH). Thường trực UBQPAN đã tổ chức họp thẩm tra sơ bộ và tại Phiên họp thứ 30 (tháng 2/2024), UBTVQH đã cho ý kiến về dự án luật này. Trên cơ sở đó, Chính phủ chỉ đạo Cơ quan soạn thảo (Bộ Công an) nghiên cứu, giải trình, tiếp thu, hoàn thiện dự án luật, có báo cáo gửi UBTVQH.

Trung tướng Lê Quốc Hùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an phát biểu. Ảnh: Báo CAND.

Tờ trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ do Trung tướng Trần Hải Quân, Tư lệnh Bộ Tư lệnh Cảnh vệ trình bày cho biết, Luật Cảnh vệ được Quốc hội khoá XIV thông qua ngày 20/6/2017, có hiệu lực thi hành ngày 1/7/2018, qua 5 năm triển khai thực hiện, bên cạnh những kết quả đạt được đã xuất hiện một số vướng mắc, bất cập cần phải được sửa đổi, bổ sung, tập trung ở các nhóm vấn đề: Đối tượng cảnh vệ; biện pháp, chế độ cảnh vệ; nhiệm vụ, quyền hạn của lực lượng cảnh vệ.

Trung tướng Trần Hải Quân, Tư lệnh Bộ Tư lệnh Cảnh vệ, Bộ Công an phát biểu. Ảnh: Báo CAND.

Về nhóm đối tượng cảnh vệ là con người, theo Trung tướng Trần Hải Quân, dự thảo luật bổ sung đối tượng cảnh vệ là Thường trực Ban Bí thư; Chánh án Toà án nhân dân tối cao; Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, đã được xác định là lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước theo Kết luận số 35, ngày 5/5/2022 của Bộ Chính trị về danh mục chức danh, chức vụ lãnh đạo và tương đương của hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở.

Về nhóm đối tượng cảnh vệ là sự kiện đặc biệt quan trọng, Luật Cảnh vệ quy định tiêu chí hội nghị, lễ hội do Nhà nước tổ chức được xác định là sự kiện đặc biệt quan trọng chưa phù hợp với thực tiễn công tác cảnh vệ về bố trí lực lượng, phương tiện, trang thiết bị kỹ thuật triển khai thực hiện công tác của lực lượng cảnh vệ. Công tác cảnh vệ luôn tiềm ẩn nhiều yếu tố bất trắc, khó lường, ngoài việc bảo đảm an ninh, an toàn đối tượng cảnh vệ còn phục vụ tích cực cho công tác đối ngoại, hình ảnh lãnh đạo Đảng, Nhà nước với bạn bè quốc tế. Do đó, thực tiễn công tác cảnh vệ đòi hỏi pháp luật phải có những quy định để kịp thời điều chỉnh khi xuất hiện các yêu cầu về an ninh hoặc đối ngoại.

Điều này cũng cần được cụ thể trong luật để đảm bảo hành lang pháp lý thực hiện nhiệm vụ. Việc thực hiện nhiệm vụ này không phát sinh biên chế hoặc nguồn lực tài chính, vì thực tế lực lượng Cảnh vệ đã và đang được thực hiện trên cơ sở biên chế hiện có và tài chính hiện tại.

Hồ sơ dự án Luật được Chính phủ chuẩn bị công phu, nghiêm túc, đầy đủ các tài liệu theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Dự thảo Luật đã sửa đổi, bổ sung 16/33 điều của Luật Cảnh vệ, trong đó tập trung vào các chính sách lớn như sửa đổi, bổ sung đối tượng cảnh vệ, biện pháp cảnh vệ, quyền hạn của lực lượng Cảnh vệ, chế độ, chính sách đối với công tác cảnh vệ.

Tại phiên họp, các đại biểu đã nghe đại diện Bộ Công an đã trình bày Tờ trình số 107/TTr-CP của Chính phủ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ và thảo luận, góp ý dự thảo Luật.

Phát biểu kết luận phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới ghi nhận các ý kiến phát biểu đã đi thẳng vào các nội dung quan trọng của dự thảo luật, như việc sửa đổi, bổ sung đối tượng cảnh vệ; nhiệm vụ của lực lượng cảnh vệ.

Theo đó, dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số quy định của Luật Cảnh vệ sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến và thông qua tại Kỳ họp thứ 7 (tháng 5/2024) tới đây.

PV: Thanh Phong