325 năm hình thành & phát triển vùng đất Biên Hòa Đồng Nai

Phát huy giá trị tác phẩmGia Định thành thông chí của Đại học sĩ Trịnh Hoài Đức

  1. Bùi Quang Xuân – Học viện Chính trị KV II

Trên bước đường công danh, Trịnh Hoài Đức đã lên gần tuyệt đỉnh. Ông là một con người tài đức vẹn toàn, được vua tin yêu, quần thần ngưỡng vọng. Dù ở chức quan cao cực phẩm nhưng Trịnh Hoài Đức vẫn sống giản dị, thanh cao, chỉ biết quên mình lo việc ích nước, lợi dân. Về phương diện văn hoá, Trịnh Hoài Đức là nhà thơ, nhà viết sử lỗi lạc hàng đầu của thời Nguyễn Trung hưng. Trịnh Hoài Đức để lại cho hậu thế một kho tàng trước tác đồ sộ gồm thơ văn và các công trình nghiên cứu như: Gia định thành thông chí, Cấn Trai thi tập… Công trình khảo cứu Gia Định thành thông chí là bộ địa lý học – lịch sử giá trị trong kho tàng thư tịch cổ của nước ta.

  1. Gia Định thành thông chí là một tác phẩm dư địa chí lớn nhất nghiên cứu về vùng đất Nam Bộ nói chung, vùng đất Đồng Nai

Cống hiến xuất sắc nhất của Trịnh Hoài Đức đối với tiến trình lịch sử, văn hóa dân tộc là bộ sách Gia Định thành thông chí”– một bộ sách lịch sử, địa lý, văn hóa ra đời sớm và giá trị nhất về miền đất Nam Bộ thời bấy giờ. Bộ sách này ghi lại đầy đủ nhất, toàn diện nhất diện mạo xứ Đồng Nai – Gia Định trong thời kỳ khai phá, lập nghiệp của cư dân Việt.

Bộ địa chí này gồm 6 quyển biên khảo công phu về quá trình hình thành đất đai, sông núi, sản vật, phong tục, con người, bộ máy hành chính Nam Bộ, đã được người Pháp dịch và xuất bản ở Paris từ năm 1863 và trở thành tài liệu vô giá cho bất kỳ ai muốn tìm hiểu, nghiên cứu về miền Nam Việt Nam.

Trịnh Hoài Đức “nổi tiếng và được nhớ đến nhiều trong lịch sử không phải là vì ông là một vị đại thần dưới hai triều vua Gia Long và Minh Mạng được trọng dụng và làm đến chức Thượng thư bộ Hộ mà là vì tác phẩm Gia Định thành thông chí có giá trị văn hóa, địa chí về miền Nam trong giai đoạn mở mang cuối thế kỷ XVIII, đầu thế kỷ XIX.

Tác phẩm duy nhất này về miền Nam thời khai hoang mở đất, cho ta những tư liệu quí giá về con người, phong tục, đất đai, địa chí, lịch sử … Nếu nhà bác học Lê Quí Đôn có Vân Đài Loại Ngữ cho Bắc và Trung bộ thì Trịnh Hoài Đức có Gia Định thành thông chí cho giai đoạn miền Nam mở đất”.

 

Tác phẩmGia Định thành thông chí” của Đại học sĩ Trịnh Hoài Đức

  1. Nội dung của tác phẩm Gia Định thành thông chí

Nội dung của tác phẩm được thể hiện trước hết qua tên gọi của chính tác phẩm. Gia Định thành thông chí” là tác phẩm ghi chép rất công phu và tỉ mỉ về núi sông, khí hậu, hành chính, thành trì, cũng như về phong tục tập quán, tính cách và sinh hoạt của dân cư tại vùng đất Gia Định từ thời Nguyễn Hữu Cảnh vào kinh lược đất này từ năm 1698 cho đến những năm đầu thế kỷ XIX.  Gia Định thành thông chí là chỉ thành Gia Định, tức là cả miền Nam Việt Nam lúc bấy giờ, gồm 1 thành – Gia Định và 5 trấn Phiên An, Biên Hòa, Định Tường, Vĩnh Thanh, Hà Tiên. “Chí” là lối văn ký sự, là sự ghi chép[1], khảo tả về thiên nhiên, văn hóa, lịch sử ở một địa phương hay một vấn đề nào đó. Vậy Gia Định thành thông chí là một tác phẩm được viết theo lối văn ký sự, ghi chép, khảo cứu về thành Gia Định (miền Nam – Việt Nam).

Về bố cục, tác phầm chia thành 6 quyển: “Quyển I, Tinh dã chí, 6 tờ, quyển II, Sơn xuyên chí, 90 tờ , quyển III, Cương vực chí, 85 tờ , quyển IV, Phong tục chí, 18 tờ, quyển V, Vật sản chí, 25 tờ , quyển VI, Thành trì chí, 45 tờ ”

Tuy là tác phẩm ghi chép theo thể loại dư địa chí, nhưng đọc tác phẩm này, chúng ta vẫn có thể cảm nhận những tình cảm của ông dành cho mảnh đất Gia Định – Đồng Nai với lời văn cô đọng, xúc tích, lời chú thích, minh họa dễ hiểu,…Trong sách cũng có dẫn chứng nhiều thư tịch cổ Trung Quốc và sử dụng nhiều chữ Nôm, các tên riêng, thổ ngữ, tập tục của địa phương. Chính vì điều này mà nhiều nhà nghiên cứu đánh giá Trịnh Hoài Đức có học vấn uyên thâm và rất am hiểu về vùng đất Nam Bộ xưa. Nhưng cũng chính điều này đã gây khó khăn cho những người biên dịch. Bản gốc (khắc gỗ) hiện nay đã mất, các bản chép tay còn lại đều có sai sót. Hơn nữa, việc dịch tập sách này lại đòi hỏi kỹ năng dịch chữ Hán và chữ Nôm sang chữ quốc ngữ, và phải am hiểu về các tên gọi và phong tục của miền Nam, nhất là tên các địa danh bằng chữ Nôm (ngoài ra, còn có một số địa danh có xuất xứ từ tiế ng Chăm, Khmer,…). Theo đánh giá sơ bộ, các bản dịch hiện tại đều có ít nhiều sai sót. Những bản dịch sau thường chỉ ra những sai sót của bản dịch trước, đính chính và kèm minh họa.

Đây được xem là một trong những công trình nghiên cứu đặc sắc nhất thời nhà Nguyễn, được người đương thời đánh giá cao và tin cậy vào độ sử liệu của chúng, và coi như một tác phẩm kinh điển và ở khía cạnh nào đó là tác phẩm chính thức về Nam Bộ dưới góc độ địa lý và lịch sử.

Tác phẩm có giá trị tham khảo rất lớn đối với bất kỳ ai muốn tìm hiểu vể vùng đất Nam Bộ xưa. Vì là tác phẩm đầu tiên và cũng là tác phẩm lớn nhất ghi chép tỉ mỉ về từng ngọn núi, con sông, dinh, trấn,…ở miền Nam Việt Nam nên Gia Định thành thông chí đã được giới nghiên cứu quan tâm từ khi ra đời cho đến tận ngày nay. Các sách viết về Nam Bộ sau Gia Định thành thông chí đều trích dẫn, tham khảo sách này.

Với kiến thức uyên bác, tinh thần học hỏi và đặc biệt là qua những chuyến khảo cứu, đã giúp Trịnh Hoài Đức có những nghiên cứu sâu sắc, cái nhìn khách quan, sự mô tả chi tiết, tỉ mỉ về những tên gọi núi, sông, dinh, trấn,… ở vùng đất Đồng Nai nói riêng, Nam Bộ nói chung. Và đóng góp quan trọng nhất của ông về những tên gọi núi, sông, dinh, trấn.… ở vùng đất này là ông đã dựa vào sự mô tả của mình, cộng với việc tra lại thư tịch cổ, và cả những câu chuyện mang tính huyền thoại của người dân địa phương để đưa ra những lý giải, chính kiến của mình về nguồn gốc những tên gọi núi, sông, dinh, trấn….

Những năm qua, chính quyền địa phương đã tiến hành trùng tu, tôn tạo nhiều lần nhằm giữ gìn, bảo vệ và phát huy giá trị di tích.

TS. Bùi Quang Xuân  – Học viện Chính trị KV II

  1. Phát huy giá trị tác phẩm Gia Định thành thông chí của Trịnh Hoài Đức

Để bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa của giá trị tác phẩm Gia Định thành thông chí của Trịnh Hoài Đức, chúng tôi xin đề cập một số vấn đề chung có ý nghĩa giải pháp như sau:

  1. Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng và đa dạng hóa các loại hình tuyên truyền để mọi người dân nhận thức được đầy đủ nội dung, giá trị của di sản văn hóa trong tác phẩm Gia Định thành thông chí . Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực làm công tác phát triển văn hóa; tăng cường ứng dụng khoa học – công nghệ hiện đại trong hoạt động quản lý bảo tồn di sản, phát triển giá trị văn hóa..
  2. Thời gian cộng với sự tàn phá của chiến tranh đã làm cho những di sản văn hóa, những dấu tích của cha ông trong quá trình dựng nước và giữ nước mai một dần. Nhờ những ghi chép trong những tác phẩm lịch sử, văn học, địa lý,…(Gia Định thành thông chí là một ví dụ), chúng ta có thể tìm hiểu những giá trị văn hóa đã mất, cũng như tiến hành phục dựng, trùng tu những tàn tích còn lại để bảo tồn và phát huy những di sản của cha ông.
  3. Song song với việc phát triển kinh tế, vấn đề giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ phải luôn được xem trọng. Những ghi chép của Trịnh Hoài Đức trong “Gia Định thành thông chí” là những sử liệu hết sức sinh động, trung thực góp phần giáo dục thế hệ trẻ về lịch sử địa phương, cũng như quá trình khai khẩn, mở mang bờ cõi, xây dựng
  4. Hiện nay, khi vấn đề phát triển bền vững đang được quan tâm, việc nghiên cứu về Trịnh Hoài Đức và tác phẩm Gia Định thành thông chí của ông sẽ góp phần tìm hiểu lịch sử, quá trình hình thành và phát triển vùng đất Đồng Nai nói riêng, toàn vùng Đông Nam Bộ nói chung. Từ đó, có thể đưa ra những hoạch định về việc bảo tồn và phát huy những di sản văn hóa trên vùng đất này cũng như phục vụ cho công tác trùng tu, bảo vệ những di tích, di sản văn hóa trước sự tàn phá của thiên nhiên và con người trong quá trình đô thị hóa, hiện đại hóa.
  5. Xây dựng con người mang đặc tính văn hóa Việt Nam truyền thống, đồng thời có thể tiếp cận được những giá trị thời đại, có ý thức tôn trọng, bảo vệ, tự hào về nguồn di sản văn hóa dân tộc.
  6. Nâng cao chất lượng và hiệu quả trong công tác bảo tồn, phục dựng, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể, đưa những di sản văn hóa này trở lại với cộng đồng, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, cộng đồng phát huy vai trò vừa là chủ thể sáng tạo, tham gia bảo vệ di sản, vừa là chủ thể thụ hưởng những giá trị của di sản văn hóa.
  7. Thực thi luật di sản văn hóa trong cuộc sống, tạo nên sức mạnh trong hành động của cá nhân, gia đình, cộng đồng trong sưu tầm, bảo tồn, phát huy các di sản văn hóa, tạo sức mạnh nội sinh để đứng vững trước xu thế toàn cầu hóa.
  8. Tuy nhiên, về chiều sâu, trên cơ sở đường lối văn hóa đúng đắn của Đảng cần phải có một chiến lược giữ gìn, phát huy di sản văn hóa dân tộc. Chiến lược ấy, với tư cách giải pháp chiến lược tổng hợp, phải tạo ra được kế hoạch, phương thức, cơ chế, bộ máy, con người, phương tiện… đồng bộ, lâu dài cho việc tìm tòi, lưu giữ, phát huy, truyền bá di sản văn hóa… đặc biệt, chiến lược đó, suy cho cùng, phải tạo được thói quen, một nếp sống coi trọng di sản văn hóa trong từng con người, một môi trường thuận lợi cho việc bảo tồn và phát huy di sản văn hóa, một phong trào toàn dân trân trọng và bảo vệ di sản văn hóa.

UBND TP. Biên Hòa tổ chức Tọa đàm Khoa học và phát huy giá trị di sản văn hóa 325 năm hình thành và phát triển vùng đất Biên Hòa

Có thể nói, Gia Định thành thông chí không chỉ là một quyển “chí” thông thường, mà qua tác phẩm, ta có thể thấy được tâm huyết, tấm lòng, tình cảm của Trịnh Hoài Đức dành cho quê hương ông – vùng đất Đồng Nai – Gia Định. Từ những ghi chép tỉ mỉ, đến sự mô tả chi tiết, từ những chuyến đi khảo cứu đến văn phong, cách trình bày,… đều cho thấy một tình cảm đặc biệt của một người Minh Hương đối với vùng đất và con người nơi đây. Đây là một tài liệu có giá trị cao về lịch sử, địa lý và văn hóa của miền Nam nước ta, được xem là một trong những công trình nghiên cứu đặc sắc nhất thời nhà Nguyễn, được người đương thời đánh giá cao. Cho đến nay quyển sách này vẫn được xem là một trong những sử liệu quan trọng nhất trong lĩnh vực nghiên cứu Nam Bộ.

Việc thờ phụng danh nhân Trịnh Hoài Đức, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa… đã và đang tôn vinh, tiếp tục nhân lên những giá trị văn hóa. Những thế hệ người Biên Hòa – Đồng Nai hôm nay luôn biết ơn và tự hào về Trịnh Hoài Đức – một tài năng lớn, một nhân cách lớn, danh nhân văn hóa đã góp phần đặt nền móng cho hào khí Đồng Nai, văn hóa Đồng Nai.

Tác giả: TS. Bùi Quang Xuân  – Học viện Chính trị KV II