Công ty May Tuấn Vinh nợ lương 200 công nhân gần 1,3 tỷ đồng

Tối ngày 26/3/2024, khoảng 20h tối có rất nhiều công nhân tụ tập trước cổng Công ty May Tuấn Vinh để đòi lương, hiện số tiền công ty May Tuấn Vinh đang nợ gần 1,3 tỷ đồng. Ngoài tiền lương, công ty này hiện có dấu hiệu chiếm đoạt tiền bảo hiểm của người lao động.

Rất đông công nhân tụ tập trước Công ty May Tuấn Vinh để đòi tiền lương từ tháng 12/2023 đến tháng 03/2024.

Theo thông tin PV tìm hiểu, tiền thân công ty là Hà Nam An 3 thành lập năm 2018, người đại diện pháp luật là Quản Văn Phước, hiện pháp nhân của công ty này đang nợ tiền bảo hiểm của người lao động. Đến năm 2022, ông Phước đổi tên Công ty là DV Fashion và bắt đầu nợ lương người lao động từ năm này vì lý do Covid nên khó khăn. Từ 2020 trở đi, công ty không đóng bảo hiểm cho người lao động nhưng vẫn thu tiền bảo hiểm của họ. Từ tháng 7/2023, ông Phước tiếp tục đổi tên mới là Công ty TNHH Sản xuất thương mại May Tuấn Vinh, thuê người đại diện pháp luật là ông Lê Văn Tuấn, địa chỉ tại số 12 Đường HT25, khu phố 2, Phường Hiệp Thành, Quận 12, Thành phố Hồ Chí Minh và kể từ đây không thu bất kì tiền gì từ người lao động. Trong 5 năm, công ty này đã đổi tên 3 lần, lần 3 nhờ người khác đứng đại diện pháp luật nhưng ông Phước vẫn là người điều hành.

Ông Phước vẫn là người điều hành Công ty dù Công ty này đã đổi tên 3 lần.

Tuy nhiên, ông Tuấn đã ủy quyền cho ông Trịnh Xuân Hùng được toàn quyền thay mặt và nhân danh công ty TNHH Sản xuất thương mại May Tuấn Vinh được toàn quyền quyết định xử lý công việc của công ty Tuấn Vinh ngay cả khi thanh lý tài sản để thanh toán tiền lương cho người lao động.

Bác B hiện đang làm ở công ty may Tuấn Vinh cho biết, “Bảo hiểm y tế công ty vẫn thu tiền của người lao động, tới khi chúng tôi mang bảo hiểm y tế tới bệnh viện khám bệnh thì bệnh viện nói bảo hiểm này không đóng tiền nên không sử dụng được. Khi người lao động về hỏi kế toán công ty, sau khi kế toán gặp giám đốc bảo mang hóa đơn tiền thuốc lên công ty thanh toán”. Chưa hết, công ty này vẫn thu tiền bảo hiểm xã hội đều đặn của người lao động nhưng không hề đóng cho cơ quan bảo hiểm. Hiện tại, số người lao động tham gia bảo hiểm xã hội là 120 người, mỗi tháng công ty thu 550.000 nghìn/người. Công ty bắt đầu nợ bảo hiểm xã hội từ tháng 12/2019 đến tháng 10/2023.

Về phần lương, công ty này phát lương vào ngày 15 hàng tháng. Tuy nhiên, có tháng thanh toán 50%, tháng 70% nhưng chia nhỏ nhiều lần chứ không đưa đủ tiền nhằm giữ chân công nhân tiếp tục ở lại làm. Từ 2018 – 2023, ông Phước sử dụng nhiều khoản vay nợ ngoài để dùng mục đích cá nhân, rất nhiều chủ nợ đã tới công ty đòi tiền nhưng không gặp ông Phước, người lao động ở công ty này chia sẻ. Tính từ tháng 12/2023 đến ngày 26/3/2024, tổng số tiền nợ lương của công ty May Tuấn Vinh gần 1,3 tỷ đồng.

Ông Thọ phòng LĐTBXH Q12 có mặt tại đây cho biết, cơ quan chức năng cũng đã vào cuộc để bảo vệ quyền lợi của người lao động.

Mong rằng cơ quan chức năng sẽ bảo vệ quyền lợi người lao động tại Công ty May Tuấn Vinh.

Theo ý kiến của cơ quan quản lý nhà nước, văn bản đề nghị UBND phường Hiệp Thành chỉ đạo các lực lượng chức năng thường xuyên quan sát địa điểm của công ty Tuấn Vinh để hạn chế tình trạng tẩu tán tài sản vào ban đêm. Với tinh thần chỉ đạo sâu sát, mong rằng cơ quan chức năng sẽ vào cuộc bảo vệ quyền lợi của người lao động tại Công ty May Tuấn Vinh.

Theo quy định của pháp luật hiện hành, nếu vì lý do bất khả kháng mà người sử dụng lao động đã tìm mọi biện pháp khắc phục nhưng không thể trả lương đúng hạn thì không được chậm quá 30 ngày; nếu trả lương chậm từ 15 ngày trở lên thì người sử dụng lao động phải đền bù cho người lao động một khoản tiền ít nhất bằng số tiền lãi của số tiền trả chậm tính theo lãi suất huy động tiền gửi có kỳ hạn 1 tháng do ngân hàng nơi người sử dụng lao động mở tài khoản trả lương cho người lao động công bố tại thời điểm trả lương.

Với trường hợp nợ lương kéo dài, người lao động có thể làm đơn đề nghị hòa giải viên lao động cấp quận, huyện hòa giải. Trường hợp không hòa giải hoặc hòa giải không thành, người lao động mới có quyền khởi kiện doanh nghiệp để đề nghị tòa án tuyên doanh nghiệp phải trả lương cho người lao động.

 

Tin và Ảnh: PV Thanh Phong