Sáng 16/7, kỳ họp thứ 17, HĐND TP.HCM khóa X bước vào ngày làm việc thứ 2, HĐND TP.HCM đã tiến hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn với 21 lượt đại biểu đặt câu hỏi, 36 ý kiến đối với Giám đốc Sở TT-TT và Chủ tịch UBND quận Bình Tân.
Chủ tịch HĐND TP.HCM Nguyễn Thị Lệ điều hành phiên chất vấn.
Sở TT-TT TP.HCM đề xuất tài khoản mạng xã hội định danh mới được bình luận
Đặt câu hỏi chất vấn, đại biểu Nguyễn Thị Nga băn khoăn trước tình trạng nhiều trang mạng đăng phát thông tin thật giả lẫn lộn và công tác giám sát thông tin trên mạng xã hội được thực hiện thế nào, làm sao để người dân biết đâu là thông tin chính thống. Đại biểu này đề nghị Giám đốc Sở TT-TT nêu giải pháp quản lý thông tin trên mạng xã hội, phòng chống tin giả, tin sai lệch ?.
Đại biểu Nguyễn Thị Nga chất vấn tại kỳ họp (ảnh: thanhuytphcm.vn)
Đại biểu Nga cho rằng, dữ liệu cá nhân là nguồn tài nguyên nhưng hiện nay có tình trạng mua bán thông tin cá nhân trên mạng, vậy việc quản lý thông tin cá nhân ra sao, TP.HCM đã xử lý bao nhiêu trường hợp ?.
Trả lời đại biểu, Giám đốc Sở TT-TT Lâm Đình Thắng cho biết, hiện nay thông tin trên mạng Internet chủ yếu từ hai nguồn. Trong đó, các tổ chức, cá nhân trong nước được cấp phép và những trang thông tin không rõ nguồn gốc, tuy dùng tiếng Việt nhưng tên miền quốc tế, đặt máy chủ ở nước ngoài.
Khi cơ quan chức năng của Việt Nam yêu cầu gỡ bỏ thì các doanh nghiệp né tránh cho rằng vì quy định nội bộ, dẫn đến tin giả và tin sai lệch lan truyền. Chính vì thế, các tin giả, tin sai lệch chủ yếu lan truyền qua các trang mạng xã hội xuyên biên giới này. Đây là vấn đề đau đầu của cơ quan quản lý. Đối với các trang mạng do Bộ TT&TT cấp phép thì đều đã phát hiện và có chấn chỉnh kịp thời.
Về nguyên do chủ quan, ông Thắng cho rằng việc phối hợp xác định thông tin giả hiện không chặt chẽ và mất thời gian lâu. Thời gian qua, Sở TT-TT phối hợp Bộ TTTT xử lý nghiêm các vi phạm. Trong đó, kiến nghị sửa đổi theo hướng tài khoản trên mạng xã hội phải có định danh, chỉ có tài khoản định danh mới được bình luận. Những tài khoản mạng xã hội xuyên biên giới bắt buộc phải chấp hành pháp luật Việt Nam.
Giám đốc Sở TT-TT TP.HCM Lâm Đình Thắng trả lời chất vấn đại biểu.
Đồng thời, cần có quy định trách nhiệm các bộ, ngành xác định tin giả, xấu độc, nhất là phải có người chủ trì kết luận tin giả và người phát ngôn.
Theo ông Thắng, các hành vi vi phạm đều bị xử lý nghiêm, không chỉ xử lý trên địa bàn TP.HCM mà còn phối hợp với Sở TT-TT ở các tỉnh, thành khác để xử lý dù chủ thể đó không ở TP.HCM.
Sở TT-TT đang tham mưu thành lập bộ phận xử lý tin giả TP.HCM, đặt tại Trung tâm Báo chí TP.HCM và quy chế phối hợp các sở ngành, địa phương. Quy chế gồm 3 bộ phận: tiếp nhận, xác định và công bố tin giả, tin sai lệch, trong đó xác định thời gian xử lý, trách nhiệm rõ ràng.
Vấn đề thu gom rác ở quận Bình Tân
Từ tháng 4/2024, quận Bình Tân bắt đầu triển khai Đề án 1627 về nâng cao chất lượng dịch vụ thu gom và vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn quận Bình Tân và việc triển khai thu tiền rác qua app. Khi đề án đi vào thực tế, bên cạnh một số kết quả tích cực thì cũng vấp sự phản ứng của các đơn vị thu gom.
Đại biểu Phan Nguyễn Như Khuê chất vấn lãnh đạo quận Bình Tân.
Theo đại biểu Phan Nguyễn Như Khuê, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM: “Vừa qua địa phương đã xây dựng, thực hiện Đề án 1627. Đại biểu đề nghị Chủ tịch UBND quận Bình Tân đánh giá về việc thực hiện đề án này”.
“Đề án đã tính đến sự tương tác của người lao động có thu nhập thấp liên quan đến vấn đề thu gom rác không? Vừa qua có nhiều phản ứng chưa đồng tình về đề án này” – đại biểu Phan Nguyễn Như Khuê chất vấn.
Trả lời đại biểu, Chủ tịch UBND quận Bình Tân, ông Nguyễn Minh Nhựt cho biết khi quận thực hiện đề án thì có xảy ra tình trạng một số người dân phản ứng lên UBND TP.HCM.
Ông Nguyễn Minh Nhựt nói để thực hiện hiệu quả Chỉ thị 19 của Thành ủy TP.HCM về vận động người dân không xả rác, quận đã triển khai rất nhiều giải pháp. Tuy nhiên, trên địa bàn rác vẫn còn nhiều. Do đó, quận đã xây dựng Đề án 1627 để tạo sự chuyển biến trên địa bàn, nhất là trong công tác thu gom rác thải.
Theo ông Nguyễn Minh Nhựt, với đề án này quận tổ chức lại công tác thu gom, vận chuyển rác hiện nay. Nghĩa là chỉ còn một đơn vị tổ chức từ thu gom và vận chuyển chứ không thông qua trung gian.
Chủ tịch UBND quận Bình Tân Nguyễn Minh Nhựt trả lời chất vấn đại biểu.
“Một đơn vị thực hiện sẽ có nhiều thuận lợi, khắc phục được việc lấy rác không đúng giờ”- ông Nguyễn Minh Nhựt nói.
Điểm mới thứ 2 của đề án là thu tiền qua ứng dụng. Trước đây, lực lượng thu gom rác thu tiền trực tiếp người dân và có nhiều lỗ hổng. Khi thực hiện thu qua app, quận sẽ kiểm soát được người dân nào đóng, người dân nào không; thu ngoài đơn giá cũng được app quản lý.
Tuy nhiên, sau khi thực hiện đề án, người dân cho rằng “loại bỏ” việc thu gom rác dân lập của họ, ảnh hưởng đến đời sống. “Trước khi xây dựng đề án, quận đã thông qua Ban Thường vụ Quận ủy, lấy ý kiến của người dân, ý kiến phản biện thì người dân rất đồng tình”- ông Nguyễn Minh Nhựt thông tin.
Về phản ứng không đồng tình của người dân, ông Nguyễn Minh Nhựt cho hay lãnh đạo đã gặp gỡ, phân tích, chia sẻ và khẳng định quan điểm của lãnh đạo quận là tổ chức lại, thực hiện hiệu quả công tác thu gom và vận chuyển rác trên địa bàn chứ không loại bỏ lực lượng nào.
Tiến sỹ Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc sở GD&ĐT TP.HCM chấp vấn Chủ tịch quận Bình Tân.
Lực lượng thu gom rác dân lập cho nhiều kiến nghị về thời gian thực hiện thu tiền qua app, chuẩn bị lực lượng, nhân sự, phương tiện,… Quận thấy đây là những kiến nghị phù hợp nên thống nhất cho thời gian và đến cuối tháng 12/2024 chính thức thực hiện theo đề án.
Kết luận phiên chất vấn, Chủ tịch HĐND TP.HCM Nguyễn Thị Lệ nhận xét, phiên chất vấn diễn ra sôi nổi, thẳng thắn, trách nhiệm cao, sát với tình hình thực tiễn và nội dung nhóm vấn đề chất vấn. ĐB HĐND TP.HCM nêu câu hỏi ngắn gọn, rõ ý.
Thanh Phong