TP.HCM: Ra mắt sách Theo dấu Hoàng hậu Nam Phương và Vua Bảo Đại

Sáng 18/5, Chi nhánh NXB Phụ nữ Việt Nam và Hội quán các bà mẹ đã cùng tổ chức buổi tọa đàm ra mắt sách “Theo dấu Hoàng hậu Nam Phương và Vua Bảo Đại”.

Tại đây, hai tác giả Vĩnh Đào và Nguyễn Thị Thanh Thúy đã chia sẻ về hành trình nghiên cứu cũng như những gì thường bị hiểu lầm về 2 nhân vật lịch sử này.

TS Vĩnh Đào là con cháu của Hoàng tộc triều Nguyễn. TS Vĩnh Đào và Vua Bảo Đại cùng là cháu của 2 anh em ruột Miên Định – Miên Tông.

Tác giả Nguyễn Thị Thanh Thúy sinh ra và lớn lên ở Lâm Đồng, tốt nghiệp Cử nhân Xã hội học, là Hội trưởng hội quán các bà mẹ. Bà đã thực hiện nhiều chương trình trao đổi văn hóa, tham luận, thuyết trình, giới thiệu sách…quanh chủ đề: “Hoàng hậu Nam Phương – Lụa là muôn thưở” từ năm 2018 đến nay.

“Theo dấu Hoàng hậu Nam Phương và Vua Bảo Đại” là cuốn tư liệu nhân vật viết về con người, cuộc đời Vua Bảo Đại và Hoàng hậu Nam Phương. Nội dung có nhiều thông tin mới, khác với những cuốn trước đây về ngày sinh, quê quán của Hoàng hậu Nam Phương, những hoạt động xã hội thiện nguyện của bà,.. Vua Bảo Đại là những công việc triều chính, câu chuyện tình cảm và quãng thời gian 16 năm ở Pháp của gia đình Hoàng hậu Nam Phương.

Vua Bảo Đại và Hoàng hậu Nam Phương – vị vua và hoàng hậu cuối cùng của Việt Nam – cho đến nay vẫn nhận được nhiều sự quan tâm của công chúng. Tuy nhiên, trong khi sử liệu về Vua Bảo Đại tương đối đầy đủ, thì tài liệu về Hoàng hậu Nam Phương lại rất ít. Nhiều cuốn sách, nghiên cứu, tư liệu đã được công bố, nhưng có không ít chi tiết, sự kiện còn mơ hồ, mâu thuẫn hay những giai thoại chưa được kiểm chứng.

Vĩnh Đào thông tin, xuất phát từ niềm cảm mến cá nhân mà ông đã tìm đọc và tìm hiểu về cuộc đời và những diễn biến quan trọng trong cuộc đời Nam Phương Hoàng hậu. Tuy nhiên càng đọc, ông càng nhận ra những gì được viết phần lớn chỉ là giai thoại, thường được thêu dệt bằng những câu chuyện truyền miệng. Vì vậy với một nhân vật rất đáng chú ý như thế, ông đã bắt tay vào việc tái hiện chân dung Hoàng hậu từ cách tiếp cận của người viết sử chứ không phải kể lại những giai thoại không có cơ sở.

Bà Thúy chia sẻ, suốt các năm qua, bà và Hội quán các bà mẹ vẫn thường tổ chức những sự kiện về Nam Phương Hoàng hậu vào mỗi dịp tháng 10. Theo bà, cuộc đời của vị Hoàng hậu cần được nghiên cứu kỹ, vì đây là một hình mẫu lý tưởng cho các phu nhân của giới chính khách có thể học hỏi trong công tác thiện nguyện hay xuất hiện trước truyền thông. Được truyền cảm hứng từ vẻ đẹp của Hoàng hậu Nam Phương khi mặc áo dài, vì vậy Hội quán các bà mẹ thường tổ chức những chủ đề về lụa là gấm vóc gắn với Hoàng hậu.

Qua tác phẩm này, hai tác giả đã lật lại những chi tiết thiếu chính xác rất phổ biến về lai lịch của Hoàng hậu, như ngày sinh và gia thế của cha bà – ông Nguyễn Hữu Hào. Theo hai tác giả, ngày sinh chính xác của Nam Phương Hoàng hậu là 14.11.1913, và sở dĩ việc có sự nhầm lẫn với ngày 4.12.1914 vì khi xưa các quan chức triều Nguyễn đã dời ngày sinh của bà xuống 1 năm (mà vẫn giữ nguyên ngày tháng theo âm lịch) để có khoảng cách giữa bà với Vua Bảo Đại. Điều này đã được minh chứng qua bản khai sanh lưu trữ tại Trung tâm Quốc gia Văn khố Hải ngoại Pháp và bản trích lục sổ Rửa tội tại Thánh đường Sài Gòn năm 1913.

Nhiều câu chuyện khác cũng được hé lộ như mối quan hệ của bà với giới thượng lưu, quý tộc Pháp, những việc triều chính lẫn những câu chuyện tình cảm của Vua Bảo Đại và đặc biệt là quãng thời gian 16 năm ở Pháp của gia đình Hoàng hậu Nam Phương.

Những năm sau cùng của cựu hoàng Bảo Đại cũng được thuật lại bởi người con út của ông là Patrick-Esdouard Bloch Carcenac, người đã trải qua thời kỳ thơ ấu bên cha và thường xuyên gặp ông trong những năm cuối đời.

Nhờ sự kiên trì trong suốt 3 năm, cả hai đã để lại một nguồn tư liệu hữu ích trong việc lý giải những thông tin bất nhất về cuộc đời vị vua và hoàng hậu cuối cùng của triều Nguyễn. “Hành trình theo dấu Hoàng hậu Nam Phương và Vua Bảo Đại gian nan nhưng đầy thú vị”.

 

PV: Thanh Phong